Phong cách Tranh_thủy_mặc

Tranh tuy là vẽ cảnh vật nhưng thường diễn tả tâm trạng trầm lắng, có khi buồn bã, ưu tư về cảnh đời. Chủ ý của bức tranh là bắt được cái thần khí, như vẽ bông hoa thì vẽ sao để họa được cái vẻ tươi tắn, mềm mại; vẽ đá thì gân guốc, rắn rỏi; vẽ núi non thì phải lột tả được cái hùng vĩ thâm nghiêm của núi rừng. Trên tranh thủy mặc thường đề thơ hoặc những câu danh ngôn nên có thể xem là sự kết hợp thi họa.

Thường thì tranh vẽ không có mục đích vẽ chân thực. Cảnh vật, nhất là phong cảnh thường là ước lệ, tầm nhìn là từ xa nhìn toàn cảnh, giữ lấy những điểm chính còn tiểu tiết thì bỏ trống. Nét bút chỗ đậm chỗ lợt, chỗ sáng chỗ tối, chỗ nhấn mạnh, chỗ nhẹ tay bổ sung cho trọng tâm của bức vẽ. Họa sĩ tài tình trong một nét bút có thể có đủ quang phổ đen, xám, bạc, trắng, dùng toàn phần từ đỉnh ngọn đến thân chòm bút, để làm nét to nhỏ, rậm thưa. Toàn bức tranh phải thể hiện được sự hài hòa âm dương. Tranh thủy mặc dùng hình ảnh để diễn ý. Nội dung bức tranh ẩn chứa một ý nghĩa nhân sinh hay triết học nào đó.

Cái khó trong tranh thủy mặc, khác tranh sơn dầu là mỗi nét vẽ sau khi hạ bút lên giấy thì coi là xong vì không thể xóa hoặc giậm bỏ được.